“Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm dùng cho bài viết nhân kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, được công bố ngày 28 tháng 4.
Bài viết dài hơn 3800 từ thu hút sự chú ý của dư luận bởi đây là lần đầu tiên trong dịp 30 tháng Tư, người đứng đầu đảng Cộng sản thay vì đay nghiến kẻ thù và thần thánh hóa công lao của đảng mình như thường lệ, lại kêu gọi hòa giải và thừa nhận khác biệt chính trị.
Khi nói về những người có gốc gác Việt Nam Cộng Hòa, ông gọi họ là “những người ở phía bên kia”, và thừa nhận “dù khác biệt về quan điểm chính trị” nhưng “đều là con dân đất Việt”. Ông cũng kêu gọi “không có lý do gì để những người Việt Nam – cùng chung huyết thống, cùng một mẹ Âu Cơ, luôn đau đáu về một đất nước thống nhất, phồn vinh – lại còn mang mãi trong lòng nỗi hận thù, chia rẽ và ngăn cách."
Ở chiều ngược lại, ông Tô Lâm cũng hạn chế sử dụng những từ ngữ mang tính công kích trong bài viết của mình, có thể kể đến sự vắng bóng của những cụm từ vốn được sử dụng thường xuyên như “đế quốc Mỹ”, “thế lực thù địch”, “xâm lược”, “chính quyền tay sai”...
Những từ ngữ này sau đó dù xuất hiện trở trong bài diễn văn được ông Tô Lâm đọc hôm 30 tháng 4, nhưng giới hạn. Cụm từ “đế quốc Mỹ” chỉ được dùng hai lần, và từ “xâm lược” chỉ được nhắc đến 3 lần. Giống như thông điệp chính của bài viết trước đó, bài phát biểu của ông Tô Lâm tập trung nhiều hơn vào khía cạnh hòa giải.
So với người tiền nhiệm Nguyễn Phú Trọng - người đã sử dụng từ “chống Mỹ” đến 14 lần trong bài viết nhân kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước hồi năm 2015, thì sự tiết chế của ông Tô Lâm cho thấy sự khác biệt rõ ràng về cách tiếp cận đối với sự kiện này.
Sự thay đổi về giọng điệu của người đứng đầu đảng cầm quyền đã nhận được nhiều lời khen trên mạng xã hội. “TUI TIN ÔNG TÔ LÂM NÓI RA TỪ LÒNG THÀNH “, ông Huỳnh Ngọc Chênh, cựu Thư ký báo Thanh Niên và là một nhà bình luận chính trị-xã hội, viết trên tài khoản Facebook có 124 ngàn người theo dõi của mình. Còn ông Trần Thanh Cảnh, một người thường xuyên bày tỏ quan điểm về các vấn đề chính trị-xã hội khác, viết “tôi thực sự thấy vui và có hy vọng về một tương lai tốt đẹp sẽ được mở ra cho đất nước chúng ta!”
Tuy nhiên, không phải ai cũng chia sẻ thái độ lạc quan vào lời kêu gọi hòa giải của ông Tổng Bí thư.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên viện trưởng Viện IDS, và là một trong những tiếng nói phản biện hàng đầu ở Việt Nam, bày tỏ sự ngờ vực trước triển vọng hòa giải. Ông cho rằng chính quyền cần phải thay đổi cách đối xử với hành giả Minh Tuệ và người dân trong nước trước khi “nói lời hoa mỹ”. Khi được hỏi liệu bài viết của ông Tô Lâm đã đủ sức thuyết phục hay chưa, ông trả lời bằng một câu hỏi, rằng: “có ai ở bên trong Việt Nam đã được thuyết phục”?
Hành giả Minh Tuệ đã phải rời Việt Nam từ tháng 12 năm 2024 sau khi không thể tiếp tục đi bộ ở trong nước. Chính quyền cáo buộc hoạt động đi bộ của ông gây ra các vấn đề “an ninh-trật tự”.
Một trong những vấn đề nhức nhối nhất trong vấn đề hòa giải đó là cách chính quyền ứng xử với cộng đồng người Việt ở nước ngoài, đặc biệt là những người rời bỏ Việt Nam trong làn sóng Thuyền Nhân.
Trong bài viết được công bố ngày 28 tháng 4, ông Tô Lâm cho biết đã từng gặp “nhiều người thuộc “phía bên kia” trước đây", và ông thừa nhận cảm thấy những người này “dù có thể khác biệt về quan điểm chính trị, trải nghiệm lịch sử hay điều kiện sống”, nhưng “đều mang trong lòng niềm tự hào dân tộc”.
Chưa từng có Tổng Bí thư nào của đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra phát ngôn tương tự về những người thuộc “phía bên kia”.
Điều này ít nhất đã khơi dậy niềm hy vọng ở nơi một cựu thuyền nhân. Trao đổi với RFA Tiếng Việt, luật sư Vũ Đức Khanh, hiện đang sống ở Canada, cho biết với tư cách một cựu thuyền nhân, một người Việt đã lưu vong hơn bốn thập niên, ông “đọc bài viết của ông Tô Lâm với sự lắng đọng, pha lẫn một niềm hy vọng thận trọng.” Nhưng ông cũng nói thêm rằng để hòa giải thực sự thì cần phải “đối diện toàn bộ sự thật lịch sử”. Trong đó, theo ông, gốm có những “mất mát đau đớn của hàng triệu đồng bào sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975″.
Ngoài làn sóng Thuyền Nhân vốn dẫn đến sự ra đi của hàng triệu người, những người thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa còn phải đi “học tập cải tạo” ở các trại tập trung dẫn dến cái chết của hàng trăm ngàn người, và người dân miền nam còn phải hứng chịu các chiến dịch “đánh tư sản” nặng nề, khiến tài sản bị tịch thu.
Ngày nay, một trong những biểu tượng của chế độ Việt Nam Cộng Hòa còn sót lại, và cũng là vẫn đề được nhiều người quan tâm khi nói đến hòa giải dân tộc, là các chính quyền đối xử với Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa, nơi chôn cất binh lính Việt Nam Cộng Hòa hy sinh trong thời chiến.
Nhiều tổ chức của người Việt ở Hoa Kỳ trong những năm qua đã nỗ lực để tìm cách tôn tạo khu nghĩa trang này, nhưng đã gặp rất nhiều khó khăn từ chính quyền Việt Nam.
Trao đổi với RFA, ông Phillip Nguyễn, Chủ tịch Hội Viet Benevolence - một tổ chức có sứ mệnh tìm hài cốt lính Việt Nam Cộng Hòa và tôn tạo nghĩa trang Biên Hòa, với niềm hy vọng “hàn gắn quá khứ và hòa giải tương lai”, đặt câu hỏi về triển vọng hòa giải mà ông Tô Lâm đưa ra, rằng “vấn đề là nói được nhưng có làm được không?”.
Ông cho biết thêm trên thực tế “nghĩa trang Quân đội Biên Hoà vẫn bị cấm trùng tu. Mấy ngàn thương phế binh VNCH bây giờ già cả, trên dưới 80 tuổi, 90 tuổi, bệnh tật, vậy mà vẫn bị đàn áp, không được nhận sự giúp đỡ từ bạn bè, người thân, đồng đội cũ.”
Dẫu vậy, ông vẫn nuôi dưỡng niềm hy vọng.
“Tôi hy vọng dưới thời ông Tô Lâm sẽ có sự khác biệt. Tôi rất nuôi hy vọng. Rất dễ cho họ chứng minh họ thực sự muốn hoà hợp hoà giải. Muốn là làm được”, ông nói thêm.
Trước dịp kỷ niệm 50 năm thông nhất, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra những phát ngôn tích cực về Việt Nam Cộng Hòa. Hôm 9 tháng 1, ông từng phát biểu “những năm 60, Sài Gòn - TP HCM là điểm sáng, Hòn ngọc Viễn Đông, Singapore cũng không bằng.” Sau đó, ngày 13 tháng 2 ông tiếp tục nói “nhìn sang Singapore, xưa họ nói được sang Bệnh viện Chợ Rẫy chữa bệnh là mơ ước". Những phát biểu này cũng đã nhận được nhiều phản ứng tích cực.
Nhưng rõ ràng từ lời nói tới hành động là cả một quá trình, và cho đến thời điểm này, mọi chuyện vẫn chỉ dừng lại ở những bài viết và bài diễn văn của ông Tổng Bí thư.
“Hòa giải không thể dừng lại ở những tuyên bố; nó cần được chứng minh bằng hành động cụ thể, đặc biệt từ phía nhà cầm quyền, để khôi phục niềm tin từ những người từng là nạn nhân của lịch sử.” Luật sư Vũ Đức Khanh kêu gọi ông Tô Lâm hành động để chứng minh thiện chí của mình.